<May 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
2829301234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930311
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Phật Giáo Việt Nam Trước Những Ảnh Hưởng của Văn Hóa Xã Hội Hoa Kỳ
Tác giả: Kỷ yếu khánh thành

PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

TRƯỚC NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA

 

VĂN HÓA XÃ HỘI HOA KỲ

 

ĐỐI VỚI TUỔI TRẺ HẢI NGOẠI

 

Giáo sư BÙI NGỌC ĐƯỜNG

 

      Biến cố tháng Tư năm 1975 đã vùi dập một nửa dân tộc trong đau thương, tang tóc, phân ly và tủi nhục. Nhưng cũng chính từ biến cố đau thương đó, một thế hệ Việt Nam mới đã được sinh ra hoặc trưởng thành ở hải ngoại với những điều kiện sinh sống và giáo dục thật thuận lợi. So với con số vài chục của Phong trào Đông du thời cụ Phan Bội Châu, hoặc con số vài chục ngàn sinh viên du học thời trước 1975 của cả hai miền Nam Bắc Việt Nam, thì hiện nay con số hàng trăm ngàn - và sẽ còn tăng nhiều hơn nữa - tuổi trẻ Việt Nam với những thành tựu to lớn về kiến thức và kỹ thuật chuyên môn, chắc chắn đó sẽ là vốn quý đó hay không lại là vấn đề khác. Có thể vốn quý đó chỉ đóng góp thêm sự thành công và thịnh vượng cho xứ người. Cũng có thể vốn quý đó bị chôn vùi, mai một trong một cuộc sống thác loạn, vật chất. Đây chính là vấn đề mà trách nhiệm giải quyết tùy thuộc phần lớn vào các tổ chức Văn hóa và Tôn giáo, đặc biệt là Phật Giáo Việt Nam. Phật giáo Việt nam không sợ mất đi những người Phật tử bị cuốn hút vào dòng thác lũ trụy lạc của cuộc sống Tây phương mà chỉ sợ mất đi những người có khả năng mang lại sự an lạc cho xã hội và kiến tạo sự thịnh vượng cho đất nước. Niềm hy vọng của Phật giáo Việt nam ở tuổi trẻ hải ngoại là còn giữ được tâm hồn Việt Nam, còn yêu thương Văn hóa Dân tộc. Bởi chỉ có như thế, những thành tựu to lớn về kiến thức và kỹ thuật chuyên môn mới thực sự là vốn quý của dân tộc, những nhân tài Việt nam Hải ngoại mới không trở thành những người ngoại quốc gốc Việt xoay lưng lại với Tổ quốc, hoặc bị đốt cháy trong những cuộc sống vật chất đồi trụy.

 

             Một vấn đề lớn cần quan tâm là Phật giáo Việt nam và Tuổi trẻ Hải ngoại. Tuy nhiên, đây là một đề tài rộng lớn, quan trọng và cấp thiết. Rộng lớn vì nó bao gồm những nhận định về tuổi trẻ trong môi trường văn hóa và xã hội hải ngoại, cách đặt vấn đề với tuổi trẻ, phương pháp tiếp cận và hướng dẫn tuổi trẻ, vị trí và vai trò của tuổi trẻ trong công cuộc hoằng dương Chánh pháp và xây dựng xã hội v. . v. . . ; Quan trọng vì thức chất của vấn đề sẽ không chỉ liên quan đến tương lai của tuổi trẻ Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến tương lai của Dân tộc và Đạo pháp ; Và cấp thiết, vì cho đến nay, các Giáo hội và các tổ chức Phật giáo Việt nam ở hải ngoại vẫn chưa có những chính sách, chương trình và kế hoạch đúng mức hướng về tuổi trẻ. Trong phạm vi của một bài viết và vì giới hạn của khả năng, chúng tôi chỉ có thể đóng góp một vài ý kiến về : Ảnh hưởng của Văn hóa Xã hội Hoa kỳ đối với tuổi trẻ Việt Nam và một số nhận định như là một gợi ý cụ thể về vấn đề Phật giáo Việt nam và tuổi trẻ hải ngoại

 

             I.- Những nét văn hóa tiêu biểu và thực tế xã hội của Hoa kỳ :

 

             Cổ nhân của chúng ta đã để lại một kinh nghiêm : Quýt trồng ở phương Nam thì ngọt nhưng đem trồng ở phương Bắc thì chua, để nói lên sự ảnh hưởng quan trọng của phong thổ, khí hậu đối với cây cỏ, và nói rộng ra, ảnh hưởng của văn hóa, xã hội đối với con người. Tuổi trẻ hải ngoại được bàn đến trong bài nầy khoảng trên 30 tuổi và phần lớn có nguồn gốc Phật giáo, sanh ra hoặc trưởng thành trong môi trường văn hóa của xứ người mà ở đây là Hoa Kỳ. Không bao lâu nữa, đây sẽ là thế hệ thứ hai của người Việt hải ngoại, là rường cột của cộng đồng người Việt hải ngoại tương lai và sẽ có ảnh hưởng không nhỏ ở cả hai mặt Tốt và Xấu đối với tương lai Đất nước, Dân tộc và Đạo pháp.

 

             Tuổi trẻ Việt nam Hải ngoại chắc chắn sẽ không còn chia xẻ nhiều với thế hệ ông cha về quan niệm và lối sống được hun đúc từ cái nôi Văn hóa ngàn đời của dân tộc. Thế hệ nầy cũng không còn mang trên vai gánh nặng quá khứ chồng chất những hận thù, mâu thuẫn, những tang tóc phân ly, . . . Từ đó, thế hệ nầy đã nhìn và cư xử với cuộc sống khác với thế hệ trước. Đặc biệt, thế hệ trẻ nầy đang như là tờ giấy trắng sẽ chịu ảnh hưởng sâu đậm môi trường văn hóa và xã hội xung quanh mà ở đây là môi trường văn hóa và xã hội Hoa Kỳ.

 

             Từ một quốc gia mà nền văn hóa lâu đời có gốc rễ từ thế hệ đạo đức, triết lý và luân lý của tam giáo Phật-Khổng-Lão, nhiều người trong chúng ta dễ có thành kiến cho rằng Hoa Kỳ không có một nền văn hóa riêng biệt, hoặc nếu có, thì đó chỉ là một văn hóa đồi trụy, vật chất. Nếu đúng như vậy, Hoa Kỳ không thể nào trở thành một quốc gia ổn định, phát triển, hùng mạnh và dẫn đầu thế giới như hiện nay. Thực ra, Hoa Kỳ có những nét văn hóa riêng biệt của họ và, trong khi đem nền văn hóa khác, đặc biệt là nền văn hóa Đông phương, phát xuất từ các giáo lý của các tôn giáo và nhu cầu ổn định xã hội dưới các chế độ phong kiến cách đây ít nhất là cả ngàn năm thì nền Văn hóa Hoa Kỳ mới phát xuất từ những tâm lý, ước vọng và những kinh nghiệm sống thực tiễn sống của cá nhân và chỉ cách đây vài trăm năm trở lại. Đó là điểm khác biệt quan trọng khiến cho giới trẻ dễ cảm thấy gần gũi hơn với nền Văn hóa Hoa kỳ.

 

             Về mặt xã hội học, mỗi xã hội có những nét văn hóa tiêu biểu để chỉ đạo và định hướng những nấc thang giá trị trong xã hội, những lối tiêu biểu trong lối cư xử và sinh hoạt và từ đó để hình thành những đặc tính của những người sống trong xã hội đó. Các nhà nghiên cứu lịch sử và xã hội Hoa Kỳ đã đồng thuận rằng do tâm lý, ước vọng và kinh nghiệm sống của những người di dân đầu tiên đến định cư và rồi sau đó thành lập đất nước Hoa Kỳ mà những nét văn hóa tiêu biểu của Hoa Kỳ dần dần được hình thành sau khi đã được thử thách, gạn lọc và áp dụng qua nhiều thế hệ. Phần lớn các tập thể di dân đầu tiên đến Hoa Kỳ bao gồm những người hoặc là nạn nhân muốn trốn thoát những chế độ độc tài đàn áp của vua chúa và những khắc nghiệt do sự kỳ thị tôn giáo tại nước Anh cũng như các quốc gia khác ở Âu châu ; hoặc là những người phiêu lưu mạo hiểm muốn tìm một đời sống mới tốt đẹp hơn. Họ khao khát tự do, bình đẳng và một đời sống sung túc. Nhưng họ cũng phải trả giá rất cao cho những thứ đó bằng những khó khăn, gian khổ kể cả nguy hiểm đến tính mạng khi phải tranh giành với thổ dân bản xứ, vật lộn với thiên nhiên trên một giải đất mênh mông và hoàn toàn mới lạ. Chính những tâm lý, ước vọng và kinh nghiệm sống như thế trải qua nhiều thế hệ đã khuôn đúc thành những tiêu chuẩn hướng dẫn cho mọi người suy nghĩ, ứng xử và sinh hoạt trong xã hội mà đại đa số quần chúng chấp nhận và đề cao. Sau đây những nét văn hóa tiêu biểu và thực tế xã hội của Hoa Kỳ.

 

             1.- Về mặt sống, nên Văn hóa Hoa kỳ đề cao sự làm việc, tính thực tiễn, sự thành công, sự tiến bộ,một đời sống sung túc và đầy đủ tiện nghi vật chất :

 

             Phát xuất từ ước vọng muốn có một đời sống tốt đẹp hơn, các tập thể di dân đầu tiên đến Hoa Kỳ đã phải làm việc rất vất vả, gian nan. Với óc phiêu lưu, mạo hiểm họ tìm cách vượt thắng những khó khăn, nguy hiểm. Đối với họ trong thời kỳ nầy, làm việc là để sống và để tồn tại. Trải qua nhiều thế hệ, làm việc trở thành một thói quen, một nhu cầu sống, một thích thú muốn chinh phục và khai thác môi trường xung quanh. Họ luôn luôn vội vã, năng động, cạnh tranh không ngừng. Và với ý chí vượt thắng, họ luôn luôn tìm kiếm những cách thức để làm việc cho có hiệu quả bao gồm làm việc có kỷ luật, có phương pháp luôn luôn cải tiến và đổi mới theo sự phát triển của khoa học và theo nhu cầu tiến bộ của con người và xã hội.

 

             Sống và làm việc đối với người Mỹ cần phải có tính thực tiễn. Tổ tiên của họ, vì đến từ nhiều quốc gia hoặc xứ sở khác nhau nên không có những giá trị tinh thần và luân lý chung để làm nền tảng cho sự phán đoán, ứng xử, đối phó. Sống đối với họ là những giải quyết sự thành công những vấn đề trước mắt dựa trên những điều kiền và hoàn cảnh cụ thể trước mắt để thỏa mãn những nhu cầu hiện thực cho cuộc sống hiện tại.

 

             Đề cao sự làm việc tất nhiên phải đề cao sự thành công. Ở các quốc gia khác, sự thành công cũng đề cao và quý chuộng. Tuy nhiên, lợi quả và sự tưởng thưởng cho sự thành công còn tùy thuyộc và bị ràng buộc vào những định kiến luân lý, tập quán và giai cấp xã hội. Ở Hoa Kỳ, phát xuất từ tinh thần bình đẳng, mọi người đều có cơ hội đồng đều để thăng tiến công danh, địa vị và giai cấp xã hội, nên sự thành công được đề cao không phải chỉ có giá trị vật chất mà còn mang giá trị luân lý. Sự thành công của một cô ca sĩ, một anh cầu thủ bóng rỗ cũng đã được xã hội tôn vinh như sự thành công của một nhà truyền giáo hoặc một chính khách tên tuổi. Biểu hiện và cũng là sự tưởng thưỏng của sự thành công mà xã hội đề cao là giàu có tiền của, nhà cửa đồ sộ và một đời sống sung túc, đầy đủ tiện nghi vật chất.

 

             2.- Về mặt tinh thần, nền Văn hóa Hoa kỳ đề cao bình đẳng và tự do :

 

             Ước vọng to lớn nhất của những tập thể di dân đầu tiên đến lập nghiệp tại Hoa Kỳ là bình đẳng và tự do vì chính họ là những nạn nhân của kỳ thị, bất công và áp bức. Sau nhiều thế hệ, họ đã thành đạt được những ước vọng đó. Tinh thần bình đẳng được đề cao, áp dụng và thể hiện hầu như khắp nơi trong xã hội Hoa Kỳ, từ trong gia đình, học đường ra đến xã hội, kể cả giữa các tôn giáo. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái, người lớn và trẻ em, chồng và vợ, thấy và trò, chủ và thợ, nói chung giữa mọi người với nhau đều đặt trên căn bản bình đẳng. Từ đó, trong quan hệ đối với nhau, người Mỹ ít chú trọng đến tôn ti trật tự, mệnh lệnh độc đoán. Đối với tôn giáo, tu chính án đầu tiên của Hoa Kỳ quy định Quốc hội sẽ không thiết lập một tôn giáo nào là quốc giáo.

 

             Song song với tinh thần bình đẳng, sự đề cao của tự do cá nhân và tập thể là một nét văn hóa tiêu biểu trong hầu hết mọi sinh hoạt và cơ cấu của xã hội Hoa Kỳ. Từ những quyền tự do căn bản như đã được quy định trong quyền tự do cá nhân và tập thể đều được bảo đảm trong các định chế xã hội và bộc lộ rõ trong mọi quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa chồng và vợ, giữa thầy và trò, giữa chủ và công nhân, giữa dân và các viên chức chính quyền. Từ đó, người Mỹ có khuynh hướng chống đối tính quan liêu quyền thế của cá nhân, không tin tưởng vào sự tập trung quyền lực của chính phủ trung ương, không chấp nhận sự kiểm soát của bất cứ một đảng phái chính trị nào, không bảo thủ cố chấp vào một truyền thống tín ngưỡng nào. Đặc biệt, đề cao tự do cá nhân mang những ý nghĩa tích cực là xã hội tin tưởng vào khả năng tự chủ, tự trọng, tài năng của mỗi cá nhân trong việc hòa đồng vào văn hóa của tập thể và xã hội. Tuy nhiên, đề cao tự do cá nhân không có nghĩa là đề cao cá nhân chủ nghĩa, một quan niệm cực đoan phủ nhận quyền lực của chính quyền và là một quan niệm sống chống lại quy ước của xã hội. Thực tế trong xã hội Hoa Kỳ cho thấy rằng đa số dân Mỹ đã đồng thuận những quy ước của xã hội để một mặt bảo vệ được tự do bình đẳng của mình mà mặt khác, không làm tổn thương đến sự tự do và bình đẳng của người khác.

 

            3.- Về mặt luân lý, nền Văn hóa Hoa kỳ đề cao những đức tính Cần, Kiệm, Liêm, Chính và theo đuổi đến cùng những mục đích đã lựa chọn :

 

             Những thế hệ đầu tiên đến lập nghiệp tại Hoa Kỳ, vì không cùng một xuất xứ, không cùng một nguồn gốc văn hóa, tập quán nên không thể áp dụng hoặc chia xẻ với nhau những giá trị luân lý cũ của quốc gia họ. Nhưng dần dần, qua những kinh nghiệm sống và với ảnh hưởng tinh thần từ các tôn giáo, họ rút ra được những giá trị căn bản để phát xét sự việc, để đánh giá con người và để đạt được thành công. Kinh nghiệm cho thấy muốn thành công, phải được những người xung quanh và xã hội tin tưởng, quý trọng, những đức tính như cần cù, không lãng phí, trung thực, công bằng và theo đuổi đến cùng những mục đích đã lựa chọn, thường đem đến uy tín và thành công, từ đó trở thành những giá trị luân lý chung cho xã hội.

 

             Thực tế Xã hội Hoa Kỳ :

 

             Những nét văn hóa tiêu biểu đã được trình bày trên đây tuy là những giá trị định hướng cho những tiêu chuẩn sống và sinh hoạt của xã hội Hoa Kỳ và đã có ảnh hưởng sâu đậm trên sự suy nghĩ, ứng xử và cách đánh giá người và việc của người Mỹ, nhưng thực tế xã hội Hoa Kỳ không phản ánh hoàn toàn những nét văn hóa tiêu biểu đó :

 

             -. Thứ nhất, Hoa Kỳ là một quốc gia tạp chủng, không thuần nhất, hằng năm đều có những lớp người di dân mới đến mang theo những sắc thái văn hóa và xã hội của quốc gia họ, tích cực cũng như tiêu cực.

 

             -. Thứ hai, một số nét văn hóa tiêu biểu của Hoa Kỳ, bên cạnh những giá trị tích cực không thể phủ nhận, cũng dễ mang lại những hậu quả tiêu cực. Có thể nói rằng xã hội Hoa Kỳ cung cấp cơ hội đồng đều cho con người để trở thành nhân tài hữu ích hoặc trở thành tội phạm của xã hội.

 

             -. Thứ ba, xã hội Hoa Kỳ vận hành trên nguyên tắc tin tưởng vào khả năng tự giác, tự chủ, tự trọng của mỗi cá nhân trong guồng máy chung của xã hội. Nhưng con người, đặc biệt giới trẻ, không phải ai cũng có khả năng tự giác, tự chủ và phán đoán chính xác hậu quả công việc mình làm. Do đó, thực tế xã hội Hoa Kỳ, bên cạnh hình ảnh là một xã hội văn minh, giàu mạnh, tiến bộ nhất trên thế giới, cũng là một xã hội phức tạp, đang phải đối phó với nhiều tệ đoan xã hội nghiêm trọng.

 

             Trong những đề tài tranh cử Tổng thống khoảng hơn một thập niên trở lại, vấn đề giá trị và đạo đức gia đình đã và đang là một vấn đề tranh luận sôi nổi. Gần đây hơn, những vụ bắn giết xảy ra trong trường học do chính học sinh là phủ phạm là cũng đã nói lên sự suy thoái đạo đức trong xã hội Hoa Kỳ, Có nhiều nguyên nhân, nhưng nổi bật nhất là do sự chạy theo cuộc sống vật chất, hưởng thụ, tự do cá nhân, cộng với sự ảnh hưởng của phim ảnh nặng nề tình dục và bạo hành nên gia đình đổ vỡ, vợ chồng ly dị, cha mẹ không có thì giờ hoặc không quan tâm đến vấn đề chăm sóc và hướng dẫn con cái. Chính bản thân của tuổi trẻ cũng chịu ảnh hưởng lối sống như vậy, nên không nghe những lời khuyên bảo, hướng dẫn của phụ huynh, bỏ học sớm để lập gia đình, kiếm tiền và mong ước hưởng thụ. Nhưng thường cuộc sống bị gãy đổ, bất như ý, nghèo khó và dẫn đến những hành vi phạm pháp.

 

             II.- Ảnh hưởng của Văn hóa và Xã hội Hoa kỳ đối với tuổi trẻ vIệt Nam :

 

             Tuổi trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên trong môi trường Văn hóa và Xã hội Hoa kỳ, trong thế hệ đầu tiên, tùy theo hoàn cảnh và sinh hoạt của mỗi gia đình, sẽ chịu ảnh hưởng nhanh hay chậm, nhiều hay ít, phong tục, tập quán, cách suy nghĩ và lối sống của người Hoa Kỳ. Dần dần, những thế hệ kế tiếp sẽ chịu ảnh hưởng sâu đậm hơn. Với sự cọng tác và ảnh hưởng bình thường giữa gia đình và xã hội, không gặp những nghịch cảnh đổ vỡ, xung khắc trong gia đình, tuổi trẻ Việt Nam dần dần sẽ là những người :

 

             -. Có học vấn và kiến thức chuyên môn cao ;

 

             -. Có những đức tính cần cù, tự trọng, không lãng phí, thực tế và trung thực theo đuổi đến cùng những mục tiêu đã lựa chọn ;

 

             -. Hăng say làm việc và làm việc có kỷ luật, có kỹ thuật, có phương pháp, có hiệu quả và thích làm việc tập thể ;

 

             -. Ưa thích sự thành công, tiến bộ, giàu có, to lớn, tiện nghi vật chất ; không thích luộm thuộm, nhỏ hẹp, thoái hóa, mê tín ;

 

             -. Quý chuộng tự do, bình đẳng, dân chủ ; không thích tôn ty trật tự, độc đoán, mệnh lệnh, độc tài, phe nhóm và đảng phái quá khích ;

 

             Có khuynh hướng đánh giá mọi sự việc và nhìn thế giới với tiêu chuiẩn giá trị văn hóa của Hoa Kỳ.

 

             Tuy nhiên, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực đó, Văn hóa và Xã hội Hoa kỳ cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đối với Tuổi trẻ Việt nam Hải ngoại như đã trình bày trong phần thực tế xã hội của Hoa Kỳ. Với những ảnh hưởng như thế, tuổi trẻ hải ngoại có thể thất học, nghèo nàn, băng đảng, hư hỏng và có những hành vi phạm pháp để trở thành những tội phạm của xã hội.

 

             Ảnh hưởng văn hóa xã hội là điều tất nhiên đối với con người sống trong môi trường văn hóa xã hội đó. Chống đối hay ngăn chận, chỉ là làm công việc lội ngược giòng nước. Tuy nhiên, nếu hướng dẫn đúng phương pháp, chúng ta có thể giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực và phát triển những ảnh hưởng tích cực bằng cách bổ túc những mặt hạn chế, yếu kém trong xã hội Hoa Kỳ với những giá trị cao quý của nền văn hóa, đạo đức truyền thống của chúng ta. Mặt hạn chế và yếu kém nhất của xã hội Hoa Kỳ chính là giá trị và đạo đức gia đình phát xuất từ một số mặt hạn chế trong những nét văn hóa tiêu biểu của Hoa Kỳ mà điển hình là tự do cá nhân. Đây là một quyền cao quý mà giá trị của nó không ai có thể phủ nhận. Hoa Kỳ, với biểu tượng Nữ thần Tự do vẫn là niềm mơ ước của nhiều người muốn được sống chính là quốc gia đề cao và bảo vệ gần như tuyệt đối về quyền căn bản nầy. Tuy nhiên, nếu cha mẹ quý trọng tự do cá nhân và cuộc sống hưởng thụ vật chất của mình một cách thái quá, tình cảm và sự giáo dục con cái sẽ bị thiệt thòi nghiêm trọng. Có nhiều trường hợp, dù vẫn rất yêu thương con, nhưng cha mẹ không muốn con phiền nhiễm cuộc sống của mình, không muốn mất nhiều thì giờ dành cho con, không muốn sức khỏe và nhan sắc của mình bị suy kém vì chăm sóc con . . .; cũng có nhiều trường hợp, vợ chồng ly dị nhau chỉ vì muốn thỏa mãn tự do cá nhân và cuộc sống hưởng thụ vật chất của mình mà không nghĩ đến sự thiệt thòi, mất mát về tinh thần cũng như vật chất của con ; không thiếu những trường hợp cái trong xã hội Hoa Kỳ khi trưởng thành nghĩ về cha mẹ với nhiều cay đắng, thậm chí với cả hận thù. Chính bạo loạn trong xã hội một phần đã phát xuất từ những cảnh loạn trong xã hội một phần đã phát xuất từ những cảnh ngộ đó. Khác với bà mẹ truyền thống Việt Nam : “bên ướt mẹ nằm, bên ráo caon lăn”, “quên ăn bỏ ngủ” để chăm sóc con, hy sinh một đời vì con, lấy hạnh phúc của con làm hạnh phúc của chính mình. Từ đó, con cái khi khôn lớn, có một tình cảm thiêng liêng cao quý khi nghĩ về cha mẹ, nghĩ về gia đình, không giám làm gì sai quấy vì sợ cha mẹ buồn, vì sợ mất gia phong.

 

             III.- Đạo Phật có thích hợp với Tuổi Trẻ không ?

 

             Trước đây, khi nền văn minh tràn vào Việt Nam, người ta cũng thường đặt câu hỏi nầy. Bây giờ, trước một thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngoại nói chung và ở Hoa Kỳ nói riêng, với những đặc tính hăng say, tháo vác, tiến bộ, khoa học, thích bình đẳng tự do, . . . người ta lại càng có lý do để đạt câu hỏi nầy. Lý do là : trải qua nhiều thế kỷ, Đạo Phật được hiểu là đạo xa rời cuộc đời, bi quan yếm thế ; đạo của những người già nua tuổi tác tìm an ủi cho những ngày tàn ; đạo của những người thất cơ lỡ vận trên đường đời muốn tìm chốn nương thân để quên đi những ngày tháng cũ . . . Và quả thật, Đạo Phật đã có những hình ảnh như thế, Nhưng đó phải được xem là tấm gương phản chiếu hình ảnh của Xã hội Việt nam, trải dài suốt 300 năm, qua các giai đoạn xáo trộn, ly loạn, chinh chiến từ các thời Lê - Mạt, Trịnh - Nguyễn, Tây Sơn - Nguyễn và Pháp đô hộ. Là một đạo giáo có hơn 80% dân số lúc bấy giờ, Đạo Phật thăng trầm thịnh suy theo sự thăng trầm thịnh suy của đất nước, làm sao có thể tươi vui, hưng thịnh, phát triển bên cạnh sự đau khổ, lầm than của cả dân tộc ! Lịch sử, đặc biệt qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, đã chứng minh Đạo Phật không những không tiêu cực và bi quan yếm thế mà còn là một sức mạnh tâm linh giúp dân tộc đề kháng và vượt qua những giai đoạn lệ thuộc và ngoại xâm. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, Đạo Phật được xác nhận không những không đi ngược lại mà trong một số trường hợp, còn đi trước những tiến bộ của thời đại về khao học và nhân văn.

 

             1.- Phật giáo với khoa học :

 

             Kính hiển vi được phát xuất cuối thế kỷ thứ 17, nhờ đó các nhà khoa học mới thấy được trong một giọt nước có rất nhiều vi trùng. Trước đó 22 thế kỷ, đức Phật đã dạy các đệ tử rằng : “Trong một bát nước, có hàng vạn vi trùng, nếu không hết lòng chú nguyện, chẳng khác nào ăn thịt chúng sanh” (Phật quán nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng, nhược bất trì thử chú, như thực chúng sanh nhục). Về thiên văn học, kính viễn vọng cũng được phát minh trong thế kỷ 17 và nhờ đó, Giordano Bruno mới khám phá được một điều mà trước đó 22 thế kỷ, đức Phật đã giảng dạy trong nhiều bộ kinh rằng ngoài thế giới chúng ta đang sống còn có nhiều thế giới khác nữa. Ông Bruno đã phải trả giá cho sự khám phá nầy bằng cách bị thiêu sống vì sự khám phá đó đi ngược lại với Thánh kinh : “Trái đất là trung tâm của vũ trụ, trái đất là thế giới duy nhất, mặt trời quay chung quanh quả đất”.

 

             Albert Einstein, cha đẻ của thuyết tương đối, được giải thưởng Nobell về Vật lý, đã nhận định về Phật giáo như sau : “Nếu có một tôn giáo nào thích ứng với những nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần từ bỏ những quan điểm của mình để chấp nhận khoa học, bởi vì Phật giáo bao gồm khoa học đồng thời cũng vượt qua khoa học. Chiếc cầu Phật giáo đã kích thích con người khám phá ra những tiềm năng lớn lao nhằm sâu kín trong chính con người và trong môi trường sống chung quanh, Phật giáo vượt qua thời gian và mãi mãi có giá trị”.

 

             Bertrand Russell, một triết gia và một nhà toán học nổi tiếng, được giải thưởng Nobel về triết học cũng đã xác nhận : “Phật giáo là một tổng hợp của triết lý tư duy và triết lý khoa học . . . Phật giáo còn đi xa hơn khoa học vì khoa học bị giới hạn của những dụng cụ vật lý”.

 

             Tiến sĩ phân tâm học Graham Howe của nước Anh đã phát biểu : “Đọc một chút về Phật giáo, ta cũng có thể nhận thức đuợc rằng, từ 2,500 năm trước, Phật giáo đã biết những vấn đề hiện đại về tâm lý nhiều hơn là chúng ta thường biết tới. Phật giáo nghiên cứu những vấn đề nầy từ lâu và cũng đã tìm ra phương thức giải quyết chúng. Ngày nay chúng ta chỉ khám phá lại trí tuệ thông thái cổ xưa của Đông phương”.

 

             2.- Phật giáo với tinh thần bình đẳng và nhân bản :

 

             Trải qua nhiều thế hệ tranh đấu với xương máu và nước mắt, con người mới được bình đẳng với nhau trong thế kỷ nầy. Trong khi đó, từ hai mươi lăm thế kỷ trước, trong một xã hội thần quyền và phân chia nhiều giai cấp, đức Phật đã chủ trương con ngưòi bình đẳng với nhau vì : “máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn”, vì : “mọi người đều có Phật tánh, mọi người đều có khả năng giác ngộ”, vì : “Phật và chúng sanh đồng bản thể”. Quan niệm bình đẳng trong đạo Phật không những đã đi trước mà còn cao hơn.. Không những bình đẳng về mặt quyền lợi và trách nhiệm trong xã hội mà còn bình đẳng trên nhận thức chân lý, đặc biệt là có khả năng Giác ngộ như Phật. Theo quan điểm nầy, con người không chỉ bình đẳng với nhau trước Thượng đế mà còn bình đẳng với chính Thượng đế, nếu quả thật có Thượng đế. Đây không chỉ nói lên quan điểm bình đẳng mà còn nói lên khía cạnh nhân bản quan trọng trong Đạo Phật mà qua đó, con người có vị trí và giá trị ưu việt là có khả năng giác ngộ như Phật, trong khi đối với các tôn giáo khác, con người chỉ mãi mãi là nô lệ của Thần linh và Thượng đế. Những người Tây phương đã tỏ ra ngạc nhiên thích thú khi nghe chuyện Thường Bất Khinh Bồ tát, một vị Tăng tu theo hạnh nguyện gặp bất kỳ người nào, không kể sang hèn, lớn nhỏ, cũng đều cung kính vái chào rằng : “Tôi không dám khinh ngài vi Ngài sẽ thành Phật”.

 

             IV.- Kết luận :

 

             Từ vị trí tuổi trẻ hải ngoại nhìn từ Phật giáo và nền Văn hóa Dân tộc vẫn còn xa lạ, huyền bí giống như nhìn những bức ảnh của ông bà tổ tiên trên bàn thờ trong gia đình : Kính mà không thân, quý nhưng không cảm thấy cần thiết. Bên cạnh sự khác biệt giữa hai nền văn hóa, những hình thức lễ nghi, nguyên nhân gần nhất là phương thức tiếp cận của Phật Giáo đối với tuổi trẻ. Ảnh hưởng tinh thần và phong cách gia trưởng của truyền thống Á đông, những bậc trưởng thượng, những người lớn tuổi thường không tiếp xúc, trao đổi với tuổi trẻ nên tinh thần bình đẳng, chia xẻ và thông cảm. Những người lớn có thói quen nghĩ rằng tuổi trẻ phải có bổn phận chào hỏi cung kính đó và trả lời một cách chiếu lệ. Ảnh hưởng của Văn hóa Hoa kỳ, trong đó tinh thần bình đẳng được đề cao trong mối quan hệ tiếp xúc giữa mọi người với nhau kể cả giữa cha mẹ với con cái, giữa thầy với trò, giữa chủ với thợ . . ., nên tuổi trẻ cảm thấy không thoải mái xa cách khi gặp những trường hợp giao tiếp với nhau. Tinh thần và phong cách gia trưởng của truyền thống Á đông, do đó, là những viên gạch đầu tiên đã xây lên bức tường ngăn cách tuổi trẻ đến gần với Văn hóa Dân tộc cũng như Phật giáo. Chính sự ngăn cách nầy đã cản trở người lớn không có cơ hội để trao đổi, chia xẻ như là những người bạn với tuổi trẻ về những nét cao quý của truyền thống văn hóa dân tộc trong đó có Phật giáo, về những kinh nghiệm và thao thức của mình ; ngược lại, tuổi trẻ cũng không có những dịp thoải mái, thân tình để bày tỏ những thắc mắc, tâm tư và nguyện vọng của họ.

 

             Hầu hết những sinh hoạt chính ở chùa nhằm đáp ứng nhu cầu cho người lớn. Những nghi lễ, giảng diễn, sách báo và những sinh hoạt khác đều xa lạ và không thu hút được tuổi trẻ. Ngay đến ngôn ngữ cũng không thích hợp. Tuổi trẻ sinh ra và lớn lên trong xã hội Mỹ dĩ nhiên chỉ thông thạo tiếng Mỹ. Tiếng Việt, nếu còn nói được, cũng chỉ để bồi đắp những câu thông thường. Từ đó, tuổi trẻ xa dần và cảm thấy lạc lõng khi đến chùa. Một hình ảnh nghịch lý quan ngại : “Mái chùa che chở hồn dân tộc” nhưng không che chở nổi cho Tuổi trẻ Việt nam Hải ngoại.

 

             Phật giáo là tôn giáo cho đến ngày nay vẫn thích hợp với sự tiến bộ của nhân loại về khoa học cũng như về nhân văn và trở nên cần thiết cho mọi lứa tuổi, đặc biệt đối với tuổi trẻ, để có một cuộc sống quân bình trong một xã hội nhiều đổ vỡ và căng thẳng. Nhưng vấn đề là làm thế nào cho tuổi trẻ có thể đến gần và tiếp xúc với Phật giáo - mà không bị ngăn cách - để trực nhận được những nét cao đẹp và sự cần thiết của Phật giáo đối với cuộc sống của họ.

 

             Lâu nay nhiều chùa đã có những sinh hoạt đáng khích lệ dành cho tuổi trẻ như lớp Việt ngữ và các sinh hoạt Gia đình Phật tử. Nhưng đó chỉ là bước đầu. Cần có một nổ lực rộng lớn ở cấp độ ưu tiên một trong những chính sách chung của các tổ chức Phật giáo ở hải ngoại hướng về tuổi trẻ nhằm phá bỏ những bức tường ngăn cách giữa tuổi trẻ và Văn hóa Dân tộc, trong đó có Phật giáo. Nếu được quan tâm và hướng dẫn tích cực, tuổi trẻ hải ngoaị không những thành công và sống an lạc hạnh phúc ở xứ người mà còn có những đóng góp lớn lao cho Dân tộc và Đạo pháp sau nầy.

 

Mục Lục

Diễn Văn Khai Mạc Đại Lễ Khánh Thành Chánh Điện

Diễn Văn Chào Mừng Đại Hội Thường Niên Nhiệm Kỳ II

Diễn Văn Khai Mạc Đại Hội Thường Niên II

Quyết Nghị Của Đại Hội

Tâm Thư Của Đại Hội

Mấy Ai Dễ Biết

Cảm Niệm Tổ Đình Hải Ngoại

Từ Đàm Quê Hương Tôi

Trúc Lâm, Từ Đàm, Từ Đàm Hải Ngoại

Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại

Đạo Mạch và Nền Văn Hóa

Chùa Từ Đàm Quốc Nội Đến Hải Ngoại

Phật Giáo Sự Kỳ Thị Chủng tộc và Giai Cấp

Vài Nét Tâm Sự

Niềm Vui Chưa Trọn

Phật Giáo Việt Nam Trước Những Ảnh Hưởng của Văn Hóa Xã Hội Hoa Kỳ

 

Lá Nắng Chùa Từ Đàm

Gợi Chút Dĩ Vãng

Huế Thủ Đô Của Tự Do Tôn Giáo

VỀ CHUYẾN ĐI DỰ ĐẠI HỘI DALLAS

Thời Điểm Chiến Lược

Vài Đặc Điểm Của Phật Giáo

Tính Cách Chính Thống Của GHPGVNTN

Đóa Sen Nở Giữa Mặt Hồ Nhân Gian

Đọc Thơ HT. Thích Tín Nghĩa

Chân Thành Tri Ân và Cảm Tạ

Chư Tăng Ni và Phái Đoàn Về Tham Dự Lễ Khánh Thành

Hội Đồng Điều Hành Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại

Chương Trình Lễ Khánh Thành

 Ký sổ vàng xây dựng Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại

Vài nét về Tổ Ðình Từ Ðàm Hải Ngoại

 

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Cáo Bạch
Anh Hùng và Tội Đồ
Lá Thư Xuân Quý Mão
Điện thư Phân Ưu của Giáo Hội
Chương Trình Sinh Hoạt Trong Năm Giáp Thìn - 2024
Thông Bạch Vu Lan 2022 - PL. 22566
Phạm Duy Vĩnh Biệt Thôn Đoài
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ Tổ Chức Đại Hội Thường Niên Lần Thứ 2
Chương Trình Sinh Hoạt Năm Nhâm Dần-2022 của Từ Đàm
Nguyễn Trường Tộ : Từ Huyền Thoại Đến Thực Chất Con Người và Sự Thật
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3148977
Có -573 Khách Đang Online